Lào CaiLương Ngọc Thịnh, 25 tuổi sống tại Phú Quốc, đi phượt các tỉnh phía bắc từ 30/8, kẹt lại ở Sa Pa do mưa lũ hoành hành sau bão Yagi.
Thịnh gửi xe từ TP HCM đi tàu ra Hà Nội, lần đầu một mình phượt xe máy từ Hà Nội qua các tỉnh Tây Bắc để ngắm mùa lúa tháng 9. Sau ba ngày dạo chơi thủ đô dịp lễ, sáng 4/9 anh di chuyển lên Lai Châu.
“Lên tới Than Uyên mới cập nhật được tin bão đang đến gần” Thịnh kể.
Lúng túng giữa lịch trình đã lên sẵn trước đó, chàng trai Kiên Giang quyết định đi Y Tý trước. Anh muốn ngắm trọn cảnh sắc ruộng bậc thang đang ngả vàng trong ngày còn nắng trước khi quay lại Sa Pa tránh bão. Thịnh không ngờ khi trở lại, mưa bão gây sạt lở nhiều nơi, Sa Pa không còn như những gì anh tưởng tượng.
Thịnh kể Sa Pa bắt đầu mưa xối xả từ 7/9 khi anh từ Y Tý trở về. Lượng nước từ thượng nguồn đổ xuống thung lũng rất lớn, dòng nước mạnh cuốn theo đất, đá tràn qua đường sá, đổ vào nhà dân. Nước từ các con suối gần thôn Dáy nơi anh ở dâng lên nhanh. Chỉ sau một đêm, một số nhà dân xung quanh bị đổ sập, chính quyền yêu cầu chủ khách sạn sơ tán khách đến nơi an toàn. Khách sạn khi đó còn anh và khoảng 10 khách nước ngoài.
“Lúc đó ai cũng bất an vì mưa càng lúc càng to, di chuyển đi nơi khác rất sợ sạt lở”, Thịnh nói.
Khi nam du khách cập nhật tin tức qua điện thoại và tìm chỗ ở mới, trong đầu luôn hình dung ra những tình huống xấu có thể gặp phải. Một tiếng sau, Thịnh được người quen giới thiệu chỗ trú mới. Khi anh rời khỏi khách sạn trong thôn Dáy, nhóm khách nước ngoài cũng được chính quyền đưa đến nơi an toàn.
“Lần đầu chứng kiến sự hung hãn của mưa lũ, không kịp trở tay”, Thịnh nói.
Đầu tháng 9 hằng năm được xem là thời điểm đẹp ở Sa Pa, tiết thu mát mẻ, trời nắng nhẹ. Những thửa ruộng bậc thang uốn lượn trên sườn đồi ở xã Mường Hoa, bản Lao Chải – Tả Van bắt đầu ngả vàng, thu hút đông du khách. Thịnh thấy mưa lũ và sạt lở gây thiệt hại rất nhiều cho du lịch Sa Pa và khiến nhiều khách lỡ hẹn với mùa lúa năm nay.
Từ thôn Dáy, Thịnh chuyển lên chỗ mới trên tỉnh lộ 152 khoảng ba km nhưng mưa to nước chảy xiết, “đi rất khó và sợ”. Đi xe trong mưa, anh thấy nhà cửa và tài sản của người dân bị lũ cuốn trôi, một số ruộng lúa gặt xong, số còn lại bị mưa lớn quật ngã rạp. Đường đèo trơn trượt, nhiều đoạn sạt lở, không ít lần Thịnh phải dừng lại hoặc đi thật chậm và không dám nhìn xuống vực.
Đi qua quán Lê Restaurant, anh sững sờ khi nhìn thấy khung cảnh trơ trọi. Quán cà phê kết hợp phục vụ ăn uống bị mưa bão giật đổ sập, mọi thứ bị nước cuốn trôi, chỉ còn chiếc cổng với tấm bảng hiệu giúp anh nhận ra nơi mình ghé ăn tối hôm trước. Những con đường men theo sườn núi ở Ý Linh Hồ, Lao Chải, Tả Van đầu tháng 9 thường tấp nập khách qua lại ngắm lúa chín, khi Thịnh đi qua toàn sình lầy, đất đá, hư hỏng nặng.
Sau khi tìm được đường vào chỗ trú mới, anh về phòng liên lạc với người thân và bạn bè để họ yên tâm và cũng thu gom đồ đạc, tính toán lại lịch trình, dự phòng cho các kịch bản thời tiết xấu hơn.
Thịnh nói gặp mưa bão trong chuyến du lịch là điều không ai muốn. Khi rơi vào cảnh mắc kẹt một mình, anh tự trấn an tinh thần để tìm ra phương án tối ưu nhất. Chàng trai chia sẻ trước mỗi chuyến đi luôn giữ thói quen tìm hiểu, ghi lại địa chỉ, số điện thoại một số khách sạn, chính quyền nơi đến để đề phòng trường hợp thay đổi kế hoạch hoặc khi gặp sự cố.
Tại chỗ trú mới ở thị xã Sa Pa ngày 8/9, Thịnh nhận được thông báo dừng các hoạt động du lịch ngoài trời, đón khách tham quan, nhiều tuyến đường và các đập tràn ở Sa Pa hư hỏng, không đảm bảo lưu thông. Anh ở yên trong khách sạn theo khuyến cáo của chính quyền.
“Cảm giác giống cách ly chống dịch mấy năm trước, chỉ khác mưa lũ ngay trước mắt, nguy hiểm rình rập trong gang tấc”, Thịnh chia sẻ.
Theo kế hoạch ban đầu Thịnh đi hết tháng 9, đủ các cung Tây Bắc ngắm ruộng bậc thang. Trong đó, anh ở lại Sa Pa ba ngày, thăm nhà thờ đá ở trung tâm, vào bản Tả Phìn ngắm lúa chín, thăm nhà của người Dao, H’Mông, tắm lá thuốc. Khách miền Nam nói tiếc khi những dự định với Sa Pa bị dang dở.
Chiều 10/9, Sa Pa đã tạnh mưa, anh ra ngoài trò chuyện với dân bản địa quanh khu và giúp họ dọn dẹp. Đây cũng là cơ hội Thịnh được gần gũi hơn với những người dân địa phương.
Chàng trai Kiên Giang chia sẻ khoảnh khắc đáng nhớ nhất chuyến đi là buổi hoàng hôn ở Y Tý, ngồi trên cao phóng tầm mắt xuống ruộng bậc thang trải dài cùng những con đường uốn lượn vắt qua đèo núi. Hiện, Thịnh vẫn ở lại Sa Pa thêm vài ngày chờ giao thông ổn định rồi về nhà.
“Mình sẽ sớm trở lại Tây Bắc để ngắm mây”, Thịnh nói.
Tuấn Anh
VnExpress mở chiến dịch “Chung tay cùng đồng bào vùng bão lũ” nhằm hỗ trợ người dân vượt lên nghịch cảnh thiên tai, tái thiết cuộc sống. Mọi đóng góp của bạn xin ủng hộ
tại đây.
Tham khảo từ https://vnexpress.net/chuyen-ngam-tay-bac-mua-lua-chin-dang-do-cua-khach-mien-nam-4791308.html
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất thông tin chung, https://suamaylanhbaotin.com không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc bảo đảm nào liên quan đến thông tin, bao gồm nhưng không giới hạn bất kỳ sự tuyên bố hoặc bảo đảm về tính thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào của thông tin theo phạm vi cho phép tối đa của pháp luật. Mặc dù đã nỗ lực để đảm bảo rằng thông tin được cung cấp trong bài viết này là chính xác, đáng tin cậy và hoàn chỉnh vào thời điểm đăng tải, nhưng thông tin được cung cấp trong bài viết này không nên được dựa vào để đưa ra bất kỳ quyết định tài chính, đầu tư, bất động sản, giao dịch hoặc pháp lý nào. Thêm vào đó, thông tin không thể thay thế lời khuyên từ một chuyên gia được đào tạo, người mà có thể xem xét, đánh giá các sự kiện và hoàn cảnh cá nhân của bạn, và chúng tôi không chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu bạn sử dụng những thông tin này để đưa ra quyết định. Xin cảm ơn!