Hà NộiGần ba tiếng chờ ở bến xe Nước Ngầm, Tuấn Tú mới lên được chuyến xe về Nghệ An nhưng hết chỗ, phải ngồi ghế nhựa ở lối đi, trưa 30/8.“Dường như đây là luật ngầm của các nhà xe. Ai nhanh tay đặt được vé nằm thì có chỗ, không thì phải ngồi luồng (lối đi)”, chàng trai 22 tuổi quê Quỳnh Lưu, Nghệ An nói.Ra bến lúc 10h nhưng thấy mọi giường nằm đều kín chỗ, Tú cố nán lại, tính có xe vắng khách sẽ nhảy lên. Nhưng lượng khách dồn về bến ngày một đông, hàng dài người xếp hàng trước cửa ôtô chờ đến lượt.Sốt ruột vì hơn 13h vẫn không tìm được xe có giường nằm Tú đành…
Hà NộiGần ba tiếng chờ ở bến xe Nước Ngầm, Tuấn Tú mới lên được chuyến xe về Nghệ An nhưng hết chỗ, phải ngồi ghế nhựa ở lối đi, trưa 30/8.
“Dường như đây là luật ngầm của các nhà xe. Ai nhanh tay đặt được vé nằm thì có chỗ, không thì phải ngồi luồng (lối đi)”, chàng trai 22 tuổi quê Quỳnh Lưu, Nghệ An nói.
Ra bến lúc 10h nhưng thấy mọi giường nằm đều kín chỗ, Tú cố nán lại, tính có xe vắng khách sẽ nhảy lên. Nhưng lượng khách dồn về bến ngày một đông, hàng dài người xếp hàng trước cửa ôtô chờ đến lượt.
Sốt ruột vì hơn 13h vẫn không tìm được xe có giường nằm Tú đành ngồi luồng. Thậm chí chuyến xe của anh người ta còn xếp khách ngồi luồng hai bên lối đi, sau đó lắp thêm một tấm gỗ tạo thành luồng tầng hai. Ngoài 34 giường, chiếc xe này có thêm 15 khách ngồi luồng sau vài phút.
Theo lời Tú, gần 50 khách trên là đón tại bến, khi ra ngoài sẽ tiếp tục nhận thêm, và dồn người ở luồng ngồi sát vào nhau.
“Hành trình gian khổ giờ mới bắt đầu. Đường về còn vô số các điểm ùn ứ, có thể bị kẹt nhiều giờ nữa”, Tú nói. Giá vé về Quỳnh Lưu ngày thường chỉ 120.000-150.000 đồng, nay tăng lên 250.000 đồng. Riêng khách về huyện Diễn Châu hoặc xa hơn phải trả 300.000 đồng.
Thất bại trong cuộc chiến săn vé về quê nghỉ lễ 2/9, Bích Liên, 25 tuổi, chấp nhận ngồi luồng về Hà Tĩnh từ tối 29/8 với hy vọng sớm hơn một ngày thì xe đỡ đông. Nhưng hành trình của cô gái trẻ cũng không không bớt gian truân.
20h, Liên lên xe trung chuyển ở phố Trần Vĩ (quận Cầu Giấy) để ra bến xe Giáp Bát (quận Hoàng Mai). Thấy đường tắc, Liên nghĩ mất khoảng một tiếng di chuyển, nhưng khi được lên xe chính đã gần 23h đêm.
“Gần 3 tiếng cho quãng đường di chuyển chưa đến 10 km bởi tắc ở muôn nơi, nhiều thời điểm xe đứng yên trên đường 15-20 phút”, Liên nói. Cô rút kinh nghiệm từ lần về quê trước, đã chuẩn bị đồ ăn, nước uống bởi biết xe sẽ không vào trạm dừng nghỉ do thời gian chạy kéo dài.
Gần 8 tiếng ngồi trên xe về quê, Liên nói toàn thân cứng đơ bởi bị nhồi nhét. Tất cả khách ngồi luồng đều phải ngồi kiểu “bó gối”, không thể duỗi chân. Cô cũng cho biết sau bốn ngày nghỉ lễ lại bắt xe ra Thủ đô, hành trình ngồi luồng và nhồi nhét sẽ tiếp diễn.
Từ đầu tháng 8, một số nhà xe lớn chuyên tuyến Hà Nội – Vinh, Hà Nội – Hà Tĩnh cho biết hết toàn bộ vé chiều đi, chiều về từ ngày 30/8 đến 3/9. Một số đơn vị phải ngừng đặt trực tuyến, hệ thống đặt vé liên tục báo bận, nhiều người gặp khó khăn trong việc tìm mua vé về miền Trung. Riêng tuyến chở khách về các huyện đa phần không được đặt trước, đến ngày về sẽ ra bến mua vé.
Không chỉ các tuyến về miền Trung, người dân ở các tỉnh miền Bắc cũng cám cảnh mỗi lần về quê nghỉ lễ.
Không xin được nghỉ sớm, Linh My, 32 tuổi, ở quận Ba Đình đành đặt xe limousine đón trực tiếp từ công ty về Hải Phòng lúc 17h ngày 30/8. Cô cho biết những năm trước vẫn ra bến xe Gia Lâm, Nước Ngầm hoặc đứng ở gần Đại lộ Thăng Long bắt xe nhưng lượng người chờ xe lớn, khó hy vọng còn ghế.
Dịp nghỉ lễ 2/9 năm ngoái, My bắt xe ở ngã tư Đại lộ Thăng Long giao với đường Khuất Duy Tiến. Gần ba tiếng chờ đợi, thấy 7 xe khách đi qua nhưng cô vẫn không lên được.
Không muốn “bò” trên đường, My đặt xe Dịch Vụ giá đắt gần gấp ba lần xe thường, hy vọng về nhà kịp bữa cơm tối. Nhưng ùn tắc kéo dài khiến gần ba tiếng trôi qua kể từ khi lên xe, My vẫn chưa thể rời được thành phố. Tất cả các tuyến đường lớn dẫn ra cầu Chương Dương, Nhật Tân, Vĩnh Tuy để ra cao tốc đều ùn tắc kéo dài.
Gần 21h chiếc xe mới lên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng khiến 12 hành khách thở phào, biết sắp được về nhà.
Không may mắn như Linh My khi vẫn được về nhà trước nửa đêm, Thành Long, 20 tuổi đã lỡ chuyến tàu Hà Nội – Hải Dương lúc 6h45 tối 30/8 chỉ vì tắc đường.
Trọ ở quận Thanh Xuân, Long dự định sẽ bắt xe công nghệ ra ga Hà Nội lúc 16h30 nhưng 30 phút trôi qua không có người nhận cuốc. Sợ muộn tàu, anh đành đi xe ôm truyền thống, giá 120.000 đồng, đắt gấp ba lần so với đặt trên ứng dụng. Khẩn thiết nhờ bác tài phóng nhanh nhưng tắc dài từ đường Láng đến Kim Mã, Nguyễn Thái Học đến Lê Duẩn khiến khi đến ga, tàu đã chạy được 5 phút.
Hết cách, Long lại bắt xe ra bến Giáp Bát, hy vọng tìm được xe về Hải Dương, còn không buộc phải chờ đến sáng hôm sau.
Anh Đức Duy, một tài xế chạy xe công nghệ ở Hà Nội luôn ám ảnh mỗi khi đón trả khách cận các ngày nghỉ lễ bởi tắc đường. Vào những ngày này Duy thường tắt ứng dụng hoặc nhận chở khách đi tỉnh, tránh ùn tắc.
“Hãi hùng nhất là cả tiếng đồng hồ không nhích nổi qua một con đường dài 3-4 km. Hà Nội đúng là không vội được”, anh Duy nói.
Còn với Tuấn Tú, sau ba tiếng vạ vật để được lên xe, anh mất thêm 4 tiếng để về đến nhà. Thời gian di chuyển đến 7 tiếng cho quãng đường hơn 80 km khiến chàng trai trẻ rùng mình, nói gần bằng tổng thời gian cả chiều đi và về quê nếu vào ngày thường.
Thanh Nga – Quỳnh Nguyễn