Luật sư của CEO Telegram Pavel Durov cho rằng “hoàn toàn vô lý” khi người đứng đầu mạng xã hội phải chịu trách nhiệm cho hành vi phạm tội diễn ra trên nền tảng.Vụ bắt giữ Durov ngày 24/8 đã làm dấy lên cuộc tranh luận về việc các công ty công nghệ phải chịu trách nhiệm ở mức độ nào đối với nội dung do người dùng tạo ra. Theo Reuters, luật sư David-Olivier Kaminski, đại diện cho Pavel Durov tại Pháp, nói với báo chí địa phương: “Thật vô lý khi nghĩ người đứng đầu mạng xã hội có thể tham gia vào hành vi phạm tội không liên quan đến ông ta, dù trực tiếp hay gián tiếp. Telegram tuân thủ đầy…
Luật sư của CEO Telegram Pavel Durov cho rằng “hoàn toàn vô lý” khi người đứng đầu mạng xã hội phải chịu trách nhiệm cho hành vi phạm tội diễn ra trên nền tảng.
Vụ bắt giữ Durov ngày 24/8 đã làm dấy lên cuộc tranh luận về việc các công ty công nghệ phải chịu trách nhiệm ở mức độ nào đối với nội dung do người dùng tạo ra. Theo Reuters, luật sư David-Olivier Kaminski, đại diện cho Pavel Durov tại Pháp, nói với báo chí địa phương: “Thật vô lý khi nghĩ người đứng đầu mạng xã hội có thể tham gia vào hành vi phạm tội không liên quan đến ông ta, dù trực tiếp hay gián tiếp. Telegram tuân thủ đầy đủ quy tắc của châu Âu về kỹ thuật số”.
Trước đó, tài khoản X của Telegram ngày 26/8 cũng phát đi thông tin khẳng định nền tảng tuân thủ Đạo luật Dịch Vụ kỹ thuật số của châu Âu. “CEO Pavel Durov không có gì phải che giấu và thường xuyên đi công tác ở châu Âu. Thật vô lý khi tuyên bố một nền tảng hoặc chủ sở hữu của nó phải chịu trách nhiệm về việc nó bị lạm dụng”, Telegram viết. “Gần một tỷ người dùng toàn cầu sử dụng Telegram như một phương tiện giao tiếp và là nguồn thông tin quan trọng. Chúng tôi đang chờ đợi một giải pháp nhanh chóng cho tình huống này”.
Ngày 24/8, Pavel Durov bị bắt tại Pháp với lý do nền tảng nhắn tin này từ chối hợp tác với chính quyền nhằm ngăn chặn sự lan truyền của nội dung khiêu dâm trẻ em, ma túy và rửa tiền. Bốn ngày sau, ông được tại ngoại nhưng phải bảo lãnh 5,5 triệu USD, bị cấm xuất cảnh và đối mặt nhiều tội danh liên quan đến hoạt động bất hợp pháp trên ứng dụng.
Vụ bắt giữ gây phản ứng trên mạng xã hội khi nhiều người coi hành động này là sự can thiệp quá mức của chính phủ. Cựu điệp viên Edward Snowden gọi đây là “cuộc tấn công vào quyền cơ bản của con người về ngôn luận”.
Giới chuyên gia lo ngại sự việc sẽ thúc đẩy các chính phủ truy tố chủ sở hữu nền tảng và CEO công nghệ nếu không đồng ý giao nộp dữ liệu người dùng. Họ thậm chí nghĩ đến “hiệu ứng lạnh”, trong đó nền tảng kiểm duyệt nội dung quá mức vì sợ bị buộc tội hình sự.
Trong khi đó, Daphne Keller, chuyên gia Trung tâm Chính sách Mạng Stanford, viết trên LinkedIn: “CSAM (nội dung lạm dụng tình dục trẻ em), khủng bố và buôn bán ma túy đều bị quy định bởi luật hình sự liên bang. Không có bất kỳ nền tảng nào được miễn trừ khỏi luật đó”.
Châu An