VHO – Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, đến hiện tại, lượng khách đăng ký lưu trú tại các cơ sở du lịch trên địa bàn thành phố này bình quân chỉ đạt 55% công suất buồng phòng, thấp hơn nhiều so với dự tính của địa phương. Phun lửa, phun nước cầu Rồng thu hút rất đông du khách Theo thống kê từ các doanh nghiệp lưu trú, dịp lễ Quốc khánh 2024, công suất chung khối cơ sở lưu trú từ 4 – 5 sao đạt 55 – 65%, từ 3 sao trở xuống đạt 35 – 45%. Chỉ có một vài cơ sở khách sạn ven biển Sơn Trà và một số khách sạn 4 – 5 sao ở trung tâm Đà…
VHO – Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, đến hiện tại, lượng khách đăng ký lưu trú tại các cơ sở du lịch trên địa bàn thành phố này bình quân chỉ đạt 55% công suất buồng phòng, thấp hơn nhiều so với dự tính của địa phương.
Theo thống kê từ các doanh nghiệp lưu trú, dịp lễ Quốc khánh 2024, công suất chung khối cơ sở lưu trú từ 4 – 5 sao đạt 55 – 65%, từ 3 sao trở xuống đạt 35 – 45%. Chỉ có một vài cơ sở khách sạn ven biển Sơn Trà và một số khách sạn 4 – 5 sao ở trung tâm Đà Nẵng đạt tỷ lệ lấp đầy 60 – 70% công suất buồng phòng. Khách lưu trú chủ yếu cũng là khách lẻ, tập trung chính vào ngày 1 và 2.9. Sau ngày 3.9, lượng du khách lưu trú ở Đà Nẵng rất thấp.
Khách vẫn đông nhưng… vẫn thiếu?
Thông tin từ sở Du lịch Đà Nẵng cho thấy, dịp lễ Quốc khánh năm nay, thành phố này đón bình quân 120 chuyến bay quốc tế và nội địa, trong 4 ngày nghỉ lễ đạt 484 chuyến bay. Đường sắt đi qua địa bàn ghi nhận có gần 5.800 khách đến Đà Nẵng. Các tuyến xe khách đi và đến địa phương đều tăng mạnh.
Nhằm đón đầu lượng du khách đến, Đà Nẵng đang tổ chức nhiều chương trình sự kiện hấp dẫn, như: Giải Golf Phát triển châu Á – BRG Open Golf Championship Danang 2024 (từ ngày 29 – 31.8), giải đua thuyền truyền thống TP. Đà Nẵng mở rộng – Cúp VTV8 (ngày 2.9).
Các hoạt động phun lửa, phun nước cầu Rồng diễn ra liên tục hàng đêm suốt dịp nghỉ lễ; tổ chức quay nhịp thông thuyền cầu sông Hàn vào các đêm 31.8 và 1.9; cùng các hoạt động biểu diễn nghệ thuật dọc hai bờ sông Hàn, các chương trình âm nhạc đường phố, vũ hội đường phố; tổ chức phố đi bộ, trải nghiệm ẩm thực, trang trí điện chiếu sáng, nghệ thuật sắp đặt bãi biển…
Riêng Sun Group xây dựng và duy trì loạt các chương trình biểu diễn độc đáo, công phu ở điểm đến Bà Nà Hills, khu vực vui chơi giải trí Đà Nẵng Downtown, thu hút đông đảo du khách tham gia hàng đêm. Các điểm mua sắm, giải trí khác trên địa bàn cũng không ngừng đưa ra nhiều hoạt động hấp dẫn du khách.
Song, theo ghi nhận của các doanh nghiệp, lượng khách thực sự đến và dừng lại ở Đà Nẵng vẫn không tăng đột biến. Hầu hết các doanh nghiệp lữ hành, câu lạc bộ hướng dẫn viên đều thông tin không kết nối được các đoàn, nhóm khách lớn. Phần lớn lượt tour đến Đà Nẵng thực chất đều… đi qua, tạm dừng khoảng 1 đêm, sau đó di chuyển đến Huế, Hội An hoặc rời đi TP. Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội.
Cần cấu trúc lại điểm đến!
Trên mạng xã hội, đã có những ý kiến phản ảnh chất lượng các điểm đến, điểm dừng tại Đà Nẵng không có cải tiến thay đổi mới, khiến du khách “nhàm chán” không muốn dừng lại lâu. Đây vấn đề mà địa phương cần quan tâm.
Một số ý kiến cho rằng, không gian đô thị Đà Nẵng trải mở và hiện đại, hạ tầng đô thị trong mùa này rất tốt, bãi biển sạch đẹp cùng chất lượng các Dịch Vụ bờ biển Đà Nẵng tốt, là những ghi nhận xứng đáng, không phủ nhận được.
Người dân Đà Nẵng thịnh tình, hiếu khách, thân thiện và trung thực, cũng là một điểm sáng đáng ghi nhận ở thành phố du lịch này. Đặc biệt, an ninh an toàn ở Đà Nẵng được đánh giá rất cao. Những vấn nạn kẹt xe, mất cắp vặt, lạc mất, đánh rơi đồ vật… tại Đà Nẵng là không thường xuyên xảy ra du khách và người dân bản địa.
Như thế, lý do du khách chưa trở lại và chưa chấp nhận đến với Đà Nẵng không nằm ở điều kiện hạ tầng hay môi trường cảnh quan… Điểm hạn chế của thành phố du lịch này, là thiếu vắng các điểm đến, tụ điểm phù hợp với định hướng không gian đô thị hiện đại, và phù hợp du lịch hội nhập. Mặc dù sở Du lịch Đà Nẵng đã có nhiều yêu cầu, định hướng kêu gọi các doanh nghiệp gia tăng đầu tư các dịch vụ, hoạt động, sản phẩm du lịch mới, song kết quả đến nay, bối cảnh điểm dừng, điểm đến Đà Nẵng vẫn hạn chế.
Một giám đốc lữ hành lớn của Đà Nẵng nhìn nhận, địa phương vẫn “cấm túc” nhiều hoạt động du lịch vì tính “nghiêm khắc cẩn thận” quá. Đơn cử khu vực quảng trường 2.9, một điểm đầu tư hấp dẫn do Sun Group triển khai với điểm nhấn là hệ thống nhạc nước hiện đại, cho đến nay vẫn không hoạt động vì lo sợ mất an toàn an ninh, chưa bố trí quản lý, kiểm soát được địa bàn tổ chức.
Hay vấn đề du lịch đường thủy trên sông Hàn, với các thuyền 2 thân rất quy mô vững chãi, địa phương vẫn buộc du khách tuân thủ nghiêm các quy định an toàn, đến mức hạn chế hoạt động, khiến du khách không thoải mái; giờ giấc hoạt động lại bó hẹp trong khung 20 – 23 giờ hằng đêm, thật sự không hấp dẫn.
Bởi những quy định cứng trong khung hoạt động, địa phương đã không tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhóm tư nhân điều kiện thuận lợi để đầu tư các mô hình, hoạt động chất lượng và “du lịch đêm”. Trong khi đó, một số điểm đến đã đầu tư của địa phương lại chưa được tổ chức bài bản, chưa có các giải pháp vận hành, kịch bản độc đáo hơn để hấp dẫn du khách, như các bảo tàng, thư viện, điểm biểu diễn văn hóa truyền thống, các sân khấu ca kịch, âm nhạc…
Mảng đầu tư được nhiều doanh nghiệp địa phương quan tâm là ẩm thực, lại thiếu tính định hướng về truyền thông quảng bá, tổ chức rời rạc, thiếu các “chất xúc tác” là người dân tham gia vào… Tất cả, tạo thành một “điểm trừ” khiến du lịch Đà Nẵng bị hạn chế kém sôi động hấp dẫn và ngay mùa lễ hội, dịp nghỉ lễ Quốc khánh năm nay đã không đủ lực thu hút du khách như mong muốn.