Chuẩn bị xong 200 suất bánh mì, sữa, vợ chồng anh Nathan Keers nóng ruột không ngủ được nên chạy xe đến huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên từ sáng sớm 11/9.
Nathan đến TP Thái Nguyên lúc 5h30. Anh gặp hàng chục tình nguyện viên đang đợi sẵn. Một nhóm đang nhặt rau, rang lạc, nấu cơm. Nhóm khác cùng anh gói nhu yếu phẩm để chuẩn bị tiếp tế cho những gia đình bị cô lập do lũ.
Nước dâng ngang bụng, Nathan đội áo mưa, mượn chiếc thuyền chất 200 suất đồ ăn cùng các tình nguyện viên lội vào phát cho các hộ dân ở xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ.
“Trời mưa to, con hẻm ngập trong biển nước, nuốt chửng tầng trệt các ngôi nhà”, chàng trai người Anh 33 tuổi nói. “Đó là trải nghiệm chưa từng có trong đời, kể cả những cơn bão lớn ở Anh”.
Đến đoạn hẻm nước ngập đến cổ, họ không thể tiếp tục di chuyển. Nathan Keers tình nguyện bơi vào. Ở ngôi nhà hai tầng cuối hẻm, anh gọi lớn xem còn ai ở bên trong không. Người đàn ông chừng 60 tuổi bước xuống, ngạc nhiên khi nhận được cứu trợ từ một “anh Tây”.
“Nụ cười của ông ấy đã động viên tôi suốt ngày hôm đó”, anh nói. “Tôi cảm thấy trống rỗng khi bước đến đây và an lòng phần nào khi rời đi”.
7 năm trước, Nathan đến Hà Nội và nhanh chóng thấy yêu thành phố này bởi ẩm thực, phong cảnh và lối sống. “Tôi cảm thấy đất nước này đã cho tôi quá nhiều”, anh nói. Nathan kết hôn với cô gái Việt, đã có con trai Noah 5 tuổi và Jacob hai tuổi.
Nathan nói cơn bão Yagi đã khiến anh sốc bởi sức tàn phá kinh khủng. Anh thấy người Việt Nam rất đoàn kết, tương trợ nhau trong bão lũ, kể cả người khó khăn cũng sẵn sàng giúp đỡ người khốn khó hơn.
“Thật sự rất ấn tượng và muốn làm giống như họ”, anh nói. Trước khi trở về Hà Nội, Nathan Keers cùng vợ góp thêm số tiền để mua 500 kg gạo, mì, xà phòng và những mặt hàng khác cần thiết cho các gia đình vùng lũ.
Ở Lào Cai, đôi bạn người Tây Ban Nha Violeta và Candela biến chuyến du lịch thành chuyến đi tình nguyện.
Hai du khách kẹt lại ở Sapa do các tuyến xe dừng hoạt động từ ngày 9/9. Họ và hai người New Zeland được chị Trần Thị Huyền, giám đốc công ty du lịch ở Lào Cai đón đến ở miễn phí.
Tối 9/9, Violeta thấy các nhân viên công ty chị Huyền tạm công việc để nấu 100 suất ăn ngay tại văn phòng, tiếp tế cho người dân bản Lao Chải (Sapa). Nhóm của cô lập tức cất hành lý, bắt tay vào cùng nhặt rau, thái thịt, chia các suất ăn.
“Những thứ vừa xảy ra quá kinh khủng và tôi muốn tiếp thêm sức mạnh cho họ”, Violeta nói. Cô nói xúc động khi thấy cách người dân Việt Nam tình nguyện giúp đỡ nhau trong thiên tai.
Trong ngày 10/9, họ tiếp tục tham gia nấu 400 suất ăn, làm thêm xôi, muối vừng để gửi lên vùng bị sạt lở đất Bảo Yên, Bắc Hà.
“Tôi cảm thấy ngạc nhiên vì sự nhiệt tình của những người nước ngoài này”, giám đốc Trần Thị Huyền nói. Họ hỏi tỉ mỉ cách nấu các món Việt Nam và học rất nhanh. Các vị khách đã giúp tiến độ hoàn thành suất ăn nhanh hơn bởi nhân viên công ty không nhiều.
Sáng 11/9, chị Tamara Hoffman chạy xe máy chở hai túi quần áo, 5 chăn bông, màn, khăn tắm, vật dụng y tế đến phường Quảng An, quận Tây Hồ, để quyên góp.
“Những con người co ro đến nóc nhà và mất hết tài sản sau cơn lũ đã ám ảnh tôi”, cô gái quốc tịch Nam Phi nói. “Tôi coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình nên tự thôi thúc làm điều gì đó cho họ”.
Tamara đến Hà Nội lần đầu vào năm 2017 để du lịch hai tuần. Chị yêu thành phố này và chọn ở lại sinh sống, làm việc. Chị ngày càng yêu văn hóa tương trợ nhau của người Việt. Lần nào bị ngã hoặc xe máy hết xăng, Tamara luôn nhận được sự giúp đỡ của những người xa lạ.
Tamara từng trải qua nhiều cơn bão ở các quốc gia khác nhau nhưng chưa có cảm nhận nào đáng sợ như Yagi. Sau cơn bão, chị cùng vài người bạn của mình tham gia dọn cây đổ ở quận Tây Hồ. Chị nhận ra nhiều người nước ngoài đang ở Việt Nam sẵn sàng đóng góp, cứu trợ nạn nhân bão lũ nhưng gặp hạn chế về ngôn ngữ, phương tiện di chuyển nên chưa làm được.
Cô gái Nam Phi đã điền đơn làm tình nguyện ở Yên Bái vào cuối tuần này. Tamara đang quyên góp dụng cụ học tập cho học sinh ở ngôi trường bị lũ quét và hỗ trợ nhân lực để xây dựng lại các lớp học.
“Tôi chỉ đang làm theo những gì người Việt đã đối xử với người nước ngoài chúng tôi, ấm áp và tử tế”, chị nói.
Ngọc Ngân
VnExpress mở chiến dịch “Chung tay cùng đồng bào vùng bão lũ” nhằm hỗ trợ người dân vượt lên nghịch cảnh thiên tai, tái thiết cuộc sống. Mọi đóng góp của bạn xin ủng hộ
tại đây.
Tham khảo từ https://dichvuseo365.com/nhung-nguoi-nuoc-ngoai-cuu-tro-bao-lu-o-viet-nam.html
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất thông tin chung, https://suamaylanhbaotin.com không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc bảo đảm nào liên quan đến thông tin, bao gồm nhưng không giới hạn bất kỳ sự tuyên bố hoặc bảo đảm về tính thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào của thông tin theo phạm vi cho phép tối đa của pháp luật. Mặc dù đã nỗ lực để đảm bảo rằng thông tin được cung cấp trong bài viết này là chính xác, đáng tin cậy và hoàn chỉnh vào thời điểm đăng tải, nhưng thông tin được cung cấp trong bài viết này không nên được dựa vào để đưa ra bất kỳ quyết định tài chính, đầu tư, bất động sản, giao dịch hoặc pháp lý nào. Thêm vào đó, thông tin không thể thay thế lời khuyên từ một chuyên gia được đào tạo, người mà có thể xem xét, đánh giá các sự kiện và hoàn cảnh cá nhân của bạn, và chúng tôi không chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu bạn sử dụng những thông tin này để đưa ra quyết định. Xin cảm ơn!